System error – Lỗi hệ thống.

Viết bởi Tara Nguyen ngày 4 tháng 9 năm 2022

Hôm trước mình có một buổi trao đổi về định hướng du học cho con gái – câu chuyện lại đề cập đến vấn đề khó nhằn, bao quát hơn là hiện trạng lộn xộn, chụp giật của hệ thống giáo dục – những đứa trẻ được lùa vào trường, phải ra sức học cho các kì thi các cấp, phải nghe theo những mong muốn của cha mẹ trong việc lựa chọn ngành học để sau này kiếm được tiền hoặc tiếp nối sự nghiệp của gia đình, phải đua tranh vào các trường danh tiếng để sau này có thể làm cho các công ty, tổ chức lớn và tiếp tục bị chèn ép khi đi làm.

Mình suy nghĩ làm sao để nhận ra hệ thống đang bị lỗi, chứ không phải là những hành động đơn lẻ sai lầm? Có lẽ là khi chúng ta nhận ra sự quá tải của vận hành và hiệu quả ngày càng suy giảm – đó là khi càng đầu tư nhiều công sức, tiền bạc, qui trình, cơ sở vật chất nhưng kết quả thu được vẫn không cải thiện – mặc dù đã áp dụng nhiều qui trình kiểm soát tinh vi và toàn diện hơn.

Mình nhận ra việc kiểm soát ngày càng tinh vi càng cho thấy nền tảng hệ thống bị vấn đề cốt lõi không khắc phục được – những gì ở gốc không thể giải quyết, thay đổi, con người sẽ tìm cách kiểm soát ở ngọn là bề mặt hiện trạng – mong muốn có những kết quả “coi được” để có thể tiếp tục duy trì hệ thống.

Đầu tư vào các giải pháp bề mặt càng lớn thì nỗi sợ thay/ chuyển đổi hệ thống càng ghê gớm hơn, khiến sự quá tải của hệ thống càng trầm trọng, hiệu quả càng lúc càng suy giảm. Hệ thống càng lúc càng xa rời mục đích ban đầu là giúp đỡ và phát triển con người, giới trẻ mà trở nên kềm kẹp, uốn nắn sự phát triển của con người để phục vụ cho mục đích tồn tại của mình.

Cuộc trò chuyện hôm đó diễn ra với sự hiện diện của con gái – mình cũng hơi bối rối vì đáng lẽ đó nên là những trao đổi về cách thức chọn trường để cô bé có thể theo đuổi nền giáo dục tiên tiến và phát triển một tương lai tươi sáng – thay vào đó lại đi “lạc đề” về hệ thống cồng kềnh, tù túng, mệt mỏi, lạc lối – những người muốn giúp bọn trẻ thật sự lại không thể làm điều đúng với cái tâm của mình mà bị trói chân tay, không thể bày tỏ suy nghĩ thật sự trong vòng quay điên cuồng của hệ thống. (Mình thương tụi nhỏ quá – khủng hoảng khí hậu/ climate crisis cũng đã khiến tụi nó muốn trầm cảm rồi, mà còn bao nhiêu vấn đề chìm nổi khác bởi các thế hệ đi trước tạo ra…)

Điều mình nhận ra là nhận thức vấn đề cũng chính là giải pháp của vấn đề – nền tảng hệ thống được tạo nên bởi tâm thức của con người, chứ không phải do những người quản lý hệ thống tạo ra như chúng ta lầm tưởng. Lầm tưởng lớn nhất của hệ thống hiện tại là vì có nhiều người tưởng rằng mình bị hệ thống quản lý, mà không nhận ra rằng sức mạnh cồng kềnh và áp đặt của hệ thống hiện tại được tạo ra từ chính lao động vất vả của mình đóng góp vào.

Chúng ta bị trói buộc bởi các giá trị ngày càng tinh vi, phức tạp trong hệ thống để chứng minh và được công nhận sự thành công của mình (sự nghiệp, gia đình, sức khoẻ, ngoại hình, lối sống,…) – Lạc trong mê cung của những giá trị đó mọi người hầu hết quên đi một cuộc đời thành công là sống được theo mong muốn và niềm vui của chính mình, và có thể đóng góp cho cuộc đời bằng tài năng và niềm vui sống của riêng mình. Không ai có thể nhận ra, biết được những điều quan trọng đó của bản thân nếu như phải lớn lên, được đào tại trong một guồng quay hối hả với những tiêu chuẩn, tiêu chí ngày càng phức tạp từ bên ngoài.

Để nhận ra những tài năng, phẩm chất, niềm vui sống riêng biệt của mình, bọn trẻ cần được take time/ thong thả, tự do và thoải mái cảm nhận về bản thân trong sự bảo vệ an toàn của gia đình và xã hội – Gấp gáp, đua tranh là lỗi nền tảng của hệ thống hiện hành. Có lẽ mong muốn “ahead of time” thật sự ngu ngốc và chính là điều huỷ hoại chúng ta?

You may also like...

Leave a Reply