Hồ sơ #PandoraPapers và quan điểm thuế má trong crypto

Mấy ngày gần đây rộ lên vụ Hồ sơ Pandora (Pandora Papers) phanh phui bê bối nhà giàu, chính trị gia, và cả lãnh đạo tôn giáo trốn thuế.

Đây thực tế là vấn đề nhức nhối từ lâu trong nền kinh tế tài chính hiện tại. Thuế là một hệ quả của đồng tiền tập trung, khi những dự án cơ sở hạ tầng và chi phí cho bộ máy hành chính cần có nguồn kinh phí để duy trì. Một mặt, các chính phủ vẫn in tiền cho những hoạt động này, nhưng mặt khác, họ vẫn thu thuế từ người dân để cân đối đảm bảo cho đồng tiền không mất giá và cũng là để củng cố quyền lực.

Có hai mục đích từ thuế má. Một số cộng đồng địa phương góp ra những quỹ chung để giúp chi phí cho những chi tiêu công cộng, góp phần xây dựng môi trường sống và những tiện ích chung, cơ sở hạ tầng. Một mục đích khác là sự vơ vét của cải vật chất của những lãnh thổ hoặc dân bị đô hộ, chi phí cho bộ máy chính quyền và chiến tranh.

Dần dần, thuế má trở nên là một điều hiển nhiên. Các chính phủ ra tay tận thu với những luật lệ phức tạp và tinh vi, thuế chồng thuế. Việc tính thuế phải cần những chuyên viên thuế vụ kinh nghiệm để tính toán. Cách áp thuế cũng rất phức tạp, chồng chéo. Bộ máy nhà nước phải trả rất nhiều tiền cho những bộ phận thuế vụ và kế toán. Thế nhưng, càng phức tạp bao nhiêu thì càng nhiều kẽ hở bấy nhiêu. Nghịch lý là những người giàu, đáng ra phải đóng nhiều, thì họ chi phí cho luật sư và các phương cách để lách và trốn thuế.

Cuối cùng thì những người lao động chân chính mới là những người nộp thuế nhiều nhất. Thật bất công phải không? Có thể thấy, hệ thống thuế hiện hành rất cồng kềnh, không hiệu quả, mà lại khuyến khích sự gian lận, tạo nên sự bất công trong xã hội. Càng có nhiều quyền thì có nhiều tiền, càng có nhiều tiền thì càng dễ trốn thuế. Mà vừa có nhiều tiền và nhiều quyền thì không thể mường tượng được họ đóng thuế để làm gì. Còn tầng lớp lao động chân chính thì càng ngày càng nghèo hơn do gánh nặng sưu thuế.

Đối với crypto, cơ chế tự cấp vốn (Self funding) hiện được áp dụng ở hai mạng eCash và Lotus sẽ thay thế cho hệ thống thuế. Người dùng sử dụng mạng lưới là đã gián tiếp tạo ra những quỹ chung để xây dựng cơ sở hạ tầng, tiện ích chung và giúp đỡ cho những vấn đề xã hội. Cái hay của cơ chế self funding là sự tự nguyện. Ai muốn đóng góp thì tham gia, ai không muốn thì không tham gia. Nhưng cơ chế này rất công bằng. Ai tham gia là có đóng góp, theo một công thức định sẵn. Ví dụ như eCash là 8% của lượng phát hành mới và phí giao dịch. Còn với Lotus thì 25% của lượng phát hành mới và phí giao dịch.

Như vậy, crypto mở ra một hướng giải quyết mới cho vấn đề thuế má hiện tại một cách thật giản đơn, tạo ra sự công bằng minh bạch mà vẫn giải quyết được nhu cầu xây dựng cơ sở hạ tầng chung và những quỹ hỗ trợ những vấn đề xã hội như sự đói nghèo, thiên tai dịch bệnh, nông nghiệp bền vững, v.v….

Thử nghĩ một tương lai cả một bộ máy thuế vụ kế toán cồng kềnh không hiệu quả mà lại bất công, giờ được thay thế bởi những miners máy đào miệt mài hoạt động không ngừng ngày đêm, mang lại lợi ích chung và công bằng xã hội.

You may also like...

Leave a Reply