Lạm phát và nợ nần

Có lẽ chúng ta đã quá quen thuộc vào việc vay mượn trong cuộc sống đến mức xem nó như là một điều hiển nhiên. Mỗi khi mua xe, mua nhà hoặc đầu tư kinh doanh, việc đầu tiên là xem xét mình có bao nhiêu tiền, huy động được bao nhiêu từ người thân, bạn bè, rồi vay ngân hàng bao nhiêu, lãi suất ra sao và trả nợ thế nào. Thậm chí trong tài chính doanh nghiệp, khả năng vay mượn là một lợi thế kinh doanh. Vậy tại sao ta lại phải vay nợ và trả nợ, tiền ở đâu ra mà vay mượn?

Để hiểu tại sao ta lại có thể vay mượn được và cần phải vay mượn thì nên xem lại cách thức nền kinh tế hiện tại đang hoạt động như thế nào.

Xét lại lịch sử thì việc vay mượn cũng đã xuất hiện từ xa xưa, nhưng rất hiếm và thường được xem là điều đáng xấu hổ. Thường thì các gia đình chỉ chi tiêu theo đúng khả năng sản xuất và tài sản mình có mà thôi, họa hoằn lắm mới đi vay mượn, mà có thì cũng phải nhanh mà trả nợ. Có lý do về văn hóa và tập tục, nhưng nguyên nhân chính là năng lực sản xuất khi xưa không có nhiều tiến bộ trong một thời gian khá dài. Nếu một cá nhân gia đình chi tiêu trên năng lực sản xuất của mình thì rất khó để cá nhân gia đình đó có thể trả nợ trong tương lai, dễ dẫn đến phá sản và phải bán nhà, thậm chí bán thân.

Tuy nhiên tập tục trên đã thay đổi khi tiến bộ khoa học kỹ thuật mang đến sự tăng trưởng kinh tế vượt bậc. Một công lao động hôm nay có thể tạo ra số lượng sản phẩm cao hơn nhiều so với trong quá khứ. Tương tự như vậy, một công lao động ngày mai sẽ tạo ra nhiều sản phẩm hơn so với ngày hôm nay. Cách mạng công nghiệp đã làm cho con người chạy theo của cải vật chất, hầu như mọi thứ được đong đếm bằng những con số. Sự tăng trưởng của năng lực sản xuất nảy sinh một vấn đề mới trong xã hội loài người khi mà hàng hóa sản phẩm làm ra vượt trên mức tiêu thụ, con người sống trong thời kỳ dư thừa về vật chất và chuyển thành một xã hội tiêu thụ.

Thêm vào đó, các chính phủ thực hiện chính sách thả nổi đồng tiền, duy trì một sự lạm phát nhất định đối với giỏ hàng hóa. Việc giá trị hàng hóa càng ngày càng giảm và đồng tiền mất giá đã khiến cho mức độ tiêu thụ gia tăng khủng khiếp. Cả một xã hội giờ đây tìm đủ mọi cách để tiêu thụ sản phẩm ngày càng nhiều càng tốt, vượt xa nhu cầu thiết yếu. Kỹ nghệ quảng cáo phát triển vượt bậc và trở thành một thứ nghệ thuật, thậm chí là tôn giáo. Trẻ em có thể dán mắt vào những đoạn phim quảng cáo suốt cả ngày, thậm chí cả những lúc ăn, trước khi đi ngủ. Văn hóa tiêu thụ đi vào tâm thức của con người lúc nào không hay. Một hệ quả rõ rệt và dễ thấy nhất đó là sự phung phí và rác thải khi những vật phẩm chưa hết giá trị sử dụng đã bị vất đi không thương tiếc.

Tuy nhiên, lạm phát và xã hội tiêu thụ có một ảnh hưởng sâu xa khác. Việc in tiền là đặc quyền duy nhất của ngân hàng trung ương, do đó khâu phân phối của lượng tiền mới sản xuất ra trở thành một mắt xích quan trọng. Thường là ngân hàng trung ương sẽ phân phối lại cho những ngân hàng thương mại để cho các tổ chức hay cá nhân vay với lãi suất dựa theo tín dụng của tổ chức hay cá nhân đó. Việc đánh giá tín dụng và cấp vốn với mức lãi suất ưu đãi trở nên một đặc quyền. Những ai có được chỉ số tín dụng cao và mối quan hệ tốt sẽ dễ dàng được cấp vốn hơn. Xã hội trở nên phô trương. Người người khoe nhau nhà cao, cửa rộng, xe sang, tiệc tùng thâu đêm suốt sáng. Nghịch lý là càng tiêu xài, càng có mối quan hệ rộng thì càng dễ vay mượn, còn ai không tham gia vào trò chơi thì sẽ dễ bị cho ra rìa, mặc dù ai cũng đóng thuế như ai. Về nguyên tắc thì khi tiền được in ra, những người đang nắm giữ tiền hiện tại sẽ bị mất giá trị, và những người đóng thuế trong tương lai sẽ phải gánh chịu hậu quả của sự lạm phát để trả nợ cho những đợt in tiền. Trong khi đó, lợi ích từ việc in tiền lại rơi vào tay của những nhóm nhỏ, đặc biệt là những tập đoàn lớn, có nhiều uy tín, và cả bộ máy hành chính, quân sự. Số tiền rót vào cứu trợ cho dân nghèo thường rất nhỏ và kèm theo những điều kiện và thủ tục khó khăn.

Những nghịch lý trên đã dẫn đến một xu hướng khác đó là đồng tiền được đầu cơ vào những tài sản có khả năng mang lại lợi nhuận cao, đặc biệt là bất động sản, vàng, và chứng khoán. Việc này tạo ra những bong bóng trong những lĩnh vực này, với sự thao túng của ngân hàng và các tổ chức tín dụng, tạo ra những cơn sóng gây ra thiệt hại cho những nhà đầu tư nhỏ lẻ và những người có nhu cầu thực sự. Việc một người có thu nhập trung bình có thể mua được nhà ở phù hợp là rất khó khăn do bong bóng nhà đất, mặc dù có nhiều dự án bị chôn vốn hoặc trở thành dự án ma.

Sự thật là hệ thống kinh tế tiền tệ hiện tại đang trở nên quá mức phức tạp với cơ chế phát hành tập trung duy ý chí. Các quốc gia dùng nó làm vũ khí trong các cuộc chiến thương mại với nhau càng làm cho tình hình phức tạp và khó kiểm soát hơn. Khó có ai có thể nói là có thể hiểu được hệ thống tài chính thế giới hiện tại. Con người trở nên mắc kẹt vào sản phẩm do chính mình tạo ra. Thế giới càng ngày càng phân hóa và chia rẽ hơn, khoảng cách giàu nghèo ngày càng cao hơn, và những bất công ngày càng sâu sắc hơn, trong khi sự hoang phí vẫn ngày càng nhiều hơn. Điều này dẫn đến những cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới ngày càng trầm trọng mà khó có thể tiên đoán và ngăn chặn được.

Đồng tiền crypto đầu tiên xuất hiện năm 2008, Bitcoin, được xuất khởi từ cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2007-2008, với hệ quả là sự in tiền và những gói cứu trợ khổng lồ cho những ngân hàng lớn. Mặc dù vẫn còn non trẻ, mạng lưới Bitcoin đã có một sự phát triển mạnh mẽ, và là một trong những đối trọng cho hệ thống tài chính thế giới, cạnh tranh với những đồng tiền quốc gia, vàng và chứng khoán. Với cơ chế phát hành được lập trình từ trước mà không ai có thể can thiệp được, Bitcoin không bị ảnh hưởng bởi những chính sách kinh tế chủ quan. Mặc dù có những hạn chế trong cơ chế phát hành của mình (Như đã đề cập trong bài “Bài toán năng lượng”), nhưng Bitcoin đã mang đến một tư duy mới…

Việc Bitcoin ngày càng khan hiếm và tăng giá có nghĩa là giá trị của tiền đầu tư ban đầu vào Bitcoin cao hơn giá trị đầu tư về sau. Điều này có ý nghĩa rất quan trọng. Vì Bitcoin càng ngày càng có giá, việc vay mượn trở nên quá rủi ro. Giả sử bạn mượn ai đó 1 Bitcoin với giá 10.000 USD, 1 năm sau, giá Bitcoin tăng lên 100.000 USD! Điều này rõ ràng là vượt quá khả năng sinh lợi từ công việc kinh doanh của bạn. Tốt nhất là bạn không nên vay mượn bất cứ ai bằng Bitcoin cả, rất là rủi ro. Vậy nên, bạn có thể kiếm được rất nhiều tiền chỉ bằng cách … tiết kiệm … thay vì hoang phí và chi tiêu bừa bãi. Sự thật là giới crypto rất tiết kiệm, họ chỉ chi tiêu những gì hợp lý nhất và có thể mang lại lợi nhuận tối đa. Không thì họ sẽ tiết kiệm hết mức vì miếng pizza có thể đáng giá cả một gia tài sau này.

Việc phát hành Bitcoin bằng năng lượng cũng mang đến sự công bằng trong công cụ tài chính tiền tệ. Ai cũng có thể tham gia phát hành Bitcoin nếu có năng lượng và thiết bị. Lượng năng lượng tiêu thụ càng nhiều thì khả năng sản xuất của bạn càng cao và càng thu được nhiều Bitcoin. Rất công bằng phải không? Không còn cơ chế xin cho, không còn những buổi tiệc tùng trác táng, không còn kẻ sang người hèn. Công sức lao động của bạn sẽ được đền đáp. Thế nên hệ thống Bitcoin được gọi là Proof of Work – không làm thì không có ăn. Hệ thống này khác với cơ chế Proof of Stake (PoS) cũng ở chỗ này. Với PoS, bạn càng nắm nhiều tiền thì càng kiếm được nhiều tiền, và khi muốn tham gia hệ thống, bạn phải “mua” trước đã, không khác nhiều với hệ thống tài chính hiện tại cho lắm.

Như vậy, crypto curriencies không chỉ mang đến sự công bằng trong việc tạo ra giá trị và phân phối giá trị (Xem bài Sự Cho Đi), một đóng góp quan trọng của crypto currencies nữa là việc hạn chế sự nợ nần, văn hóa xin cho và sự phung phí, khoa trương của hệ thống tài chính kinh tế hiện tại. Mọi người có thể sống tiết kiệm hơn, tiêu xài hợp lý và cần thiết, mà vẫn yên tâm rằng giá trị của mình tạo ra sẽ được quý trọng và đáng giá mãi về sau, không phải bị cuốn vào vòng xoáy tiêu xài bất tận.

You may also like...

Leave a Reply