Ngẫm về sự tập trung hóa

Những ngày này nhìn Sài Gòn chống dịch Covid mà thấy sự khó khăn của người dân thành phố cũng như của cả các cấp chính quyền và các bác sỹ, y tá, tình nguyện viên trên cả nước cùng chung tay giúp sức vượt qua thời điểm gian khó này. Có lẽ còn hơi sớm để nói khi nào mới đẩy lui được dịch, hy vọng là mọi thứ sẽ trở về với nhịp sống bình thường trong thời gian sớm nhất, giúp cho mọi người đỡ vất vả hơn, nhất là những người trên tuyến đầu chống dịch và đồng bào đang sống trong cảnh phong tỏa. Mình tin là sự sáng suốt và tinh thần đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau của dân tộc Việt Nam sẽ giúp cho chúng ta vượt qua đại dịch này.

Đã có nhiều ý kiến trái chiều về cách phòng chống dịch của chính quyền cũng như tâm lý và cách cư xử của người dân. Mình không phê phán những việc đã xảy ra, mọi việc có thể đã tệ hơn thậm chí có thể đã bùng phát từ năm ngoái. Tất nhiên mọi việc cũng có thể tốt hơn. Không ai có thể quay bánh xe thời gian để diễn lại thước phim cuộc đời. Mỗi con người mỗi hoàn cảnh có những điều kiện và suy nghĩ riêng, cũng như những ràng buộc và cách nhìn không giống nhau. Nên mình nghĩ rằng mỗi người đều có quyết định đúng đắn nhất trong thời điểm đó, với hoàn cảnh đó. Hy vọng rằng những bài học kinh nghiệm được rút ra để những bước đi tiếp theo được hợp lý hơn để tránh tổn thất về người và kinh tế.

Tuy nhiên, trong bài này, mình muốn đề cập đến một khía cạnh khác, mà theo mình có những tác động chủ đạo đến những diễn biến xảy ra hiện nay.

Nhìn lại lich sử loài người, có thể thấy sự phát triển của của con người gắn liền với một dịch chuyển khá nhất quán. Đó là sự tập trung hóa. Từ những tế bào đơn, đến tế bào đôi, rồi phát triển thành thực vật, rồi động vật, cá lớn nuốt cá bé, cho đến khủng long là đỉnh điểm của sự cô đọng vật chất cá thể, rồi sau đó là con người với sức mạnh bầy đàn… Đó là những quá trình cô đọng vật chất và cơ cấu tổ chức. Rồi cộng đồng con người phát triển từ những nhóm người nhỏ lẻ ở trong hang hốc đến những bộ lạc to hơn, sống trên những vùng đất rộng lớn hơn. Sự ra đời của nền nông nghiệp cách dây 12 nghìn năm đánh dấu một cột mốc quan trọng trong sự tập trung hóa khi con người không còn phải di chuyển khắp nơi để kiếm ăn theo mô hình săn bắn hái lượm nữa, mà có thể tự canh tác trồng trọt chăn nuôi để sinh sống. Những cộng đồng con người quy tập thành những làng xã thôn xóm, rồi phát triển thành những quốc gia và đế chế rộng lớn, bao phủ nhiều châu lục.

Đến thời kỳ công nghiệp hóa, sự phát triển vũ bão của nền khoa học kỹ thuật cũng kéo theo sự tập trung hóa khủng khiếp với sự cô đọng khổng lồ về vốn và nhân công, góp phần thúc đẩy sự tiến bộ của loài người với những bước tiến vượt bậc chỉ trong hơn một trăm năm, kéo theo đó là sự phát triển của các ngành tài chính, ngân hàng, bất động sản, thức ăn nhanh, may mặc, giải trí, điện ảnh, quảng cáo… Những đế chế quân sự nhường chỗ cho những đế chế tài chính với những tài phiệt giàu có vô hạn.

Một sản phẩm của kỷ nguyên công nghiệp có ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của chúng ta ngày nay đó là cái thang máy. Sự tập trung hóa xảy ra lớn đến nỗi xã hội con người không còn có thể phát triển theo chiều rộng được nữa, mà thay vào đó tập trung phát triển theo chiều cao với sự hiện diện của những hệ thống thang máy phức tạp và tân tiến. Những tòa nhà chọc trời, còn cao hơn cả ngọn núi, mọc lên như nấm. Cả cộng đồng hàng chục nghìn con người giờ đây thậm chí không cần phải ra khỏi tòa nhà của mình cũng có đầy đủ tiện nghi và thực phẩm, phương tiện giải trí và thậm chí làm việc ngay trong tòa nhà của mình.

Một cột mốc khác của sự tập trung hóa là sự ra đời của Internet. Con người giờ đây có thể kết nối với nhau bất cứ lúc nào và ở bất cứ nơi đâu. Mọi người ngày càng dành thời gian nhiều hơn cho thế giới “ảo”. Đột nhiên có một sự tập trung hóa lớn xảy ra trong thế giới số và những công ty internet khổng lồ bao trùm toàn bộ nền kinh tế thế giới. Một phần mềm có thể được bán ra hàng triệu bản trong tích tắc, mang đến nguồn lợi khổng lồ cho nhà phát triển. Sự dịch chuyển của ngành quảng cáo từ truyền hình qua internet cũng đã dựng lên những đế chế truyền thông mới bao trùm hầu hết mọi ngóc ngách của cuộc sống, và hầu như không có giới hạn quốc gia. Mỗi khi chúng ta gõ bàn phím, là đã có cả một hệ thống thu thập và phân tích để đưa ra những quảng cáo hoặc đường dẫn mà người dùng có thể sẽ quan tâm và mua sản phẩm. Sự riêng tư của con người trở nên tài sản vô giá, và là đối tượng tranh chấp giữa các thế lực chính trị và kinh tế. Sự phát triển của AI (trí tuệ nhân tạo) dựa trên cơ sở dữ liệu người dùng là sự tập trung hóa lên đến đỉnh điểm. Điều này mang đến những lợi ích cho cuộc sống con người, bằng cách đáp ứng nhu cầu của cộng đồng và của từng cá nhân riêng rẽ theo quá khứ tiêu dùng của người dùng. Nhưng AI cũng có mối nguy tiềm ẩn. Thử tưởng tượng một cá nhân nào đó sở hữu hệ thống AI với tất cả những dữ liệu người dùng trên thế giới này và sử dụng chúng với mục đích xấu thì điều gì sẽ xảy ra? Cái gì cũng sẽ có 2 mặt. Mặt phải càng to thì mặt trái cũng càng to.

Nhìn lại quá trình này, ta không khỏi nhận ra hệ lụy tất yếu của sự tập trung hóa và phát triển chú trọng vào chiều cao đã dẫn đến một xã hội co cụm, lệ thuộc vào máy móc thiết bị công nghệ và thuốc men kỹ nghệ, đặc biệt là sự chi phối, điều phối của những sức mạnh tập quyền có quyền hành bao trùm mà không có sự lựa chọn nào khác. Việc biến thể của một chủng virus cúm hoành hành hàng mấy năm trời trong cộng đồng là một hệ lụy tất yếu của việc sống tập trung trong những thành phố đông đúc với những tòa nhà cao chót vót, hàng ngày ở trong máy lạnh điều hòa không có khí trời. Việc sống xa rời thiên nhiên có lẽ cũng ảnh hưởng không nhỏ đến hệ thống miễn dịch giúp virus dễ xâm nhập hơn, và thức ăn công nghiệp cũng góp phần làm cho virus phát triển mạnh mẽ gây ra những biến chứng nguy hiểm đến sức khỏe và tính mạng. Con người lại càng trở nên lệ thuộc hơn vào thuốc men và vaccine, như thể đó là phương thuốc thần diệu để tiêu diệt virus vi trùng vậy. Nhưng mọi sự vật thay đổi không ngừng, biến chủng virus mới phát triển nhanh hơn việc chế tác vaccine mới. Thêm vào đó, mỗi người mỗi cơ địa cũng khác nhau, việc vaccine thích hợp với người này và không phù hợp với người khác vẫn đang còn là vấn đề nan giải. Liệu vaccine có thể chỉ là liều thuốc tinh thần chủ yếu để giúp con người vượt qua sự sợ hãi và bình tĩnh hơn? Ở đây mình không có ý định bài trích vaccine, nhưng nếu xem như vaccine là một phương thuốc thần tiên giúp con người thoát khỏi con virus thì e là cũng còn khá xa vời.

Như vậy khi xét lại lịch sử thì sự tập trung hóa đã giúp xã hội loài người phát triển một cách nhanh chóng hơn, mang lại những tiến bộ trong đời sống hằng ngày, nâng cao mức sống và lợi ích xã hội bằng cách tập trung nguồn lực và những kế hoạch tập quyền dài hạn. Tuy nhiên, điều này cũng làm cho con người phát triển theo chiều hẹp, tạo ra sự phân hóa giàu nghèo, không những trong thành phố, mà còn rõ rệt hơn ở những nơi hẻo lánh xa xôi. Việc tập trung quyền lực, đặc biệt là tài chính với nguồn thu từ thuế, đã mang đến những dự án khổng lồ, đa phần được đầu tư vào những đô thị đông dân, nơi tỉ lệ giữa lợi nhuận và chi phí cao hơn rất nhiều so với những nơi ít dân cư và xa xôi. Những dự án đầu tư cơ sở hạ tầng tốn kém không được ưu ái bằng những dự án có thể thu lợi nhuận tức thì. Nguồn vốn được đổ dồn vào các đô thị, kéo theo đó là nguồn nhân lực và những dự án phụ trợ, tạo ra một vòng tròn xoáy tâm, ngày càng tập trung cô đặc hơn, hút hết vốn và nguồn lực của những nơi khác, cứ như thế tiếp diễn. Những cộng đồng ở những nơi xa đô thị trở nên yếu thế và thiệt thòi hơn, mặc dù họ vẫn đóng thuế như những cư dân ở thành phố, nhưng lại phải chịu một cơ sở hạ tầng thấp kém và những dự án ít được đầu tư thỏa đáng, ví dụ như đường xá giao thông, trường học, bệnh viện… Điều này càng thúc đẩy các bộ phận dân cư ở đây dịch chuyển về nơi có nhiều nguồn lực và cơ sở hạ tầng tốt hơn, càng làm cho sự phân hóa trở nên sâu sắc hơn.

Đã có nhiều giải pháp cho vấn đề này, thế nhưng sự thay đổi diễn ra khá chậm chạp. Lý do chính yếu vẫn là nguồn lợi từ các nhóm lợi ích. Trừ khi những dự án phát triển ở những vùng hẻo lánh mang lại nhiều lợi nhuận, còn không thì rất khó để có thể được rót vốn đầu tư. Mà trên thực tế thì những dự án này thường có rất ít tiềm năng, ngoài việc mang lại những lợi ích chung cho cộng đồng dân cư bản xứ.

Vậy đâu là giải pháp của vấn đề này? Với những phát triển của công nghệ gần đây, đặc biệt là khả năng kết nối internet tốc độ cao, và khả năng làm việc từ xa, sự liên lạc và trao đổi trở nên thuận tiện hơn bao giờ hết, có lẽ con người có thể bước vào một kỷ nguyên mới khi mà sự tập trung vẫn tiếp tục xảy ra, thậm chí là mạnh mẽ hơn, nhưng trên khía cạnh kiến thức, văn hóa và tâm linh, mà không nhất thiết phải tập trung về vật chất và tài sản. Điều đó đang xảy ra khi các công ty dần chuyển sang mô hình làm việc từ xa, những lớp học ảo đang ngày càng nhiều và được chấp nhận hơn, những cộng đồng mạng với những thành viên hầu như chưa bao giờ gặp nhau ngoài đời nhưng vẫn rất gắn kết và tương trợ nhau như những người tri kỷ. Những dự án cộng đồng cũng kêu gọi được sự đầu tư của rất nhiều người hảo tâm và sự ủng hộ của những cộng tác viên tự do, hầu như không hề biết nhau, chỉ liên hệ với nhau qua những nickname nặc danh trên mạng xã hội. Những ứng dụng ngang hàng P2P ngày càng phát triển mạnh mẽ, đưa ra trải nghiệm tương đương hoặc vượt trội so với những hệ thống tập trung truyền thống, ví dụ như AirBnB, Uber, Grab, Shopee… Thậm chí đã có mạng P2P với khả năng tạo đồng tiền trao đổi chung không biên giới và không hạn chế…. cho đến những hệ thống tài chính phân tán DeFi… Có lẽ đó là hướng đi mới giúp con người thoát khỏi sự cô đặc về vật chất và chuyển bước lên sự hòa đồng về tinh thần? Ràng buộc về cơ chế cũ của chế độ công nghiệp tập trung vẫn còn đó, nhưng thể nào con người cũng tìm ra được một cơ chế mới phù hợp với tình hình mới trong bước phát triển mới của nhân loại.

Mọi sự thay đổi xuất phát từ tâm thức.

You may also like...

Leave a Reply